Hiểu biết về mắtMắt bình thường Khi chúng ta nhìn một vật, các tia sáng song song đi từ vật đến mắt sẽ qua các môi trường khúc xạ của mắt và hội tụ ở võng mạc (lớp màng thần kinh của mắt). Từ võng mạc, các tín hiệu thần kinh được truyền lên não, nhờ đó chúng ta thấy được hình ảnh của vật. Trong hệ thống khúc xạ của mắt, 2 thành phần quan trọng nhất là giác mạc và thể thuỷ tinh. Giác mạc là một lớp màng trong suốt ở phần trước nhãn cầu, có công suất chiếm khoảng 2/3 tổng công suất khúc xạ của mắt. Vì vậy, phần lớn các phẫu thuật khúc xạ đều nhằm điều chỉnh hình dạng giác mạc. Thể thuỷ tinh có dạng một thấu kính hội tụ, ngoài vai trò đóng góp cho khúc xạ của mắt, thể thuỷ tinh còn có chức năng điều tiết. Khi thể thuỷ tinh thay đổi hình dạng (vồng hơn hoặc dẹt hơn), công suất khúc xạ sẽ thay đổi, nhờ đó mắt ta nhìn được rõ các vật ở tất cả mọi khoảng cách khác nhau. Để cho mắt nhìn được rõ chi tiết của vật thì các tia sáng phải hội tụ đúng trên võng mạc. Bất thường ở hệ thống khúc xạ của mắt làm cho các tia sáng không hội tụ ở giác mạc được gọi là các tật khúc xạ. Mắt có tật khúc xạ nhìn vật sẽ bị mờ. Các tật khúc xạ của mắt Tật khúc xạ của mắt bao gồm cận thị, viễn thị, và loạn thị. Các tật khúc xạ này được gọi chung là các quang sai bậc thấp. Các quang sai bậc thấp này có thể điều chỉnh bằng kính gọng, kính tiếp xúc, hoặc các phẫu thuật khúc xạ thông thường. Tật khúc xạ được đo bằng đơn vị điốp (D). Số âm dùng cho cận thị (thí dụ -4,50 D), số dương dùng cho viễn thị (thí dụ +2,00 D). Đối với tật loạn thị, ngoài công suất người ta phải ghi cả trục loạn thị (tính bằng độ). Tật cận thị Trong tật cận thị, các tia sáng hội tụ ở trước võng mạc. Nguyên nhân cận thị thường do giác mạc vồng quá hoặc do tăng độ dài trục trước-sau của mắt. Mắt cận thị nhìn xa không rõ nhưng nhìn gần có thể bình thường. Những mắt cận thị nặng (trên 8,00 D) có thể kèm theo tổn thương của võng mạc là nguy cơ gây ra bong võng mạc. Tật viễn thị Trong tật viễn thị, các tia sáng hội tụ ở sau võng mạc. Nguyên nhân viễn thị thường do giác mạc dẹt quá hoặc do giảm độ dài trục trước-sau của mắt. Mắt viễn thị nhẹ nhìn xa có thể bình thường nếu còn điều tiết tốt. Những trường hợp điều tiết giảm hoặc viễn thị nặng có thể bị mờ cả khi nhìn xa lẫn nhìn gần. Tật loạn thị Trong tật loạn thị, bán kính độ cong của giác mạc không đồng đều ở các kinh tuyến, do đó các tia sáng không hội tụ ở một điểm mà ở các điểm khác nhau (trước hoặc sau võng mạc). Mắt loạn thị nhìn vật bị nhoè và biến dạng. Loạn thị có thể đơn thuần hoặc kèm theo cận thị hoặc viễn thị. Lão thị Lão thị không phải là một tật khúc xạ mà là thay đổi sinh lí của mắt ở người nhiều tuổi. Tất cả những người mắt bình thường khi đến tuổi trên 40 bắt đầu cảm thấy nhìn bị nhoè khi đọc sách, đó là biểu hiện lão thị. Nguyên nhân của lão thị là do khả năng đàn hồi của thể thuỷ tinh bắt đầu giảm ở người trên 40 tuổi. Người lão thị mặc dù nhìn xa vẫn bình thường nhưng khi đọc sách cần phải đeo kính, tuổi càng cao thì số kính càng tăng. Những người đến tuổi lão thị muốn được phẫu thuật khúc xạ cần trao đổi với bác sĩ phẫu thuật để lựa chọn khả năng điều chỉnh thích hợp. Phẫu thuật có thể điều chỉnh toàn bộ tật khúc xạ và bệnh nhân lại cần kính đọc sách sau mổ hoặc điều chỉnh không toàn bộ tật khúc xạ giúp cho bệnh không cần kính đọc sách sau mổ. Tin mới hơn |